Bệnh thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?

Vì sao người trẻ tuổi cũng có nguy cơ thoái hóa, thoát vị đĩa đệm

Bệnh thoát vị đĩa đệm có thể gây ra đau lưng cấp tính hoặc mãn tính, làm giảm khả năng hoạt động và gây khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Tình trạng này cũng có nguy cơ làm tổn thương dây thần kinh và có thể đòi hỏi phẫu thuật trong trường hợp nghiêm trọng. Việc chẩn đoán và chữa trị sớm bệnh thoát vị đĩa đệm có vai trò quan trọng để tránh những biến chứng nguy hiểm.

1. Đối tượng nào dễ bị thoát vị đĩa đệm?

Dưới đây là những đối tượng dễ bị thoát vị đĩa đệm:

  • Nhóm người lao động vất vả, khuân vác nặng nhọc lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc bê vật không quá nặng nhưng lại thực hiện sai tư thế.
  • Người mắc bệnh lý cột sống bẩm sinh như: gai cột sống, gù vẹo cột sống, nứt đốt sống, trượt cột sống… Những bệnh lý này xuất hiện từ khi mới sinh ra đến khi trưởng thành, gây nên nhiều bất tiện trong sinh hoạt, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp khác, trong đó có thoát vị đĩa đệm.
  • Những người làm công việc đặc thù đứng hoặc ngồi nhiều, nhất là giới văn phòng, sinh viên, tài xế, thợ may, giáo viên, kiến trúc sư… Đứng hoặc ngồi quá lâu trong một tư thế lâu ngày khiến đĩa đệm bị tăng áp lực, dễ thoát ra khỏi vị trí, chèn ép rễ thần kinh tủy sống, gây đau đớn.
  • Những người có thói quen sinh hoạt không khoa học như: thường xuyên đeo túi nặng lệch một bên vai, chuyển đổi tư thế đột ngột và liên tục, khi ngủ gối đầu quá cao…
  • Người thừa cân, béo phì rất dễ bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng vì cột sống phải chịu nhiều áp lực do cân nặng gây ra, làm đĩa đệm nhanh bị tổn thương và thoái hóa.

2. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh thoát vị đĩa đệm nếu không điều trị kịp thời

2.1. Đau rễ thần kinh

Sau giai đoạn đau thắt lưng cục bộ, bệnh nhân sẽ bị đau rễ thần kinh do quá trình tổn thương kích thích rễ thần kinh. Các cơn đau rễ thần kinh thường xuất hiện theo dải, kéo dài từ thắt lưng và lan rộng đến chân. Khi người bệnh ho, hắt hơi, di chuyển, đứng hoặc ngồi lâu cũng khiến cơn đau tăng mạnh.

Trong quá trình di chuyển, người bệnh thường xuyên phải dừng lại một đoạn để nghỉ, do các cơn đau xuất hiện nhiều lần, cản trở lớn đến các hoạt động thường ngày.

2.2. Rối loạn cảm giác

Biến chứng này thường xảy ra ở những khoảng da tương ứng với rễ thần kinh bị tổn thương (do thoát vị đĩa đệm gây tổn thương đến dây thần kinh), phổ biến nhất là mất cảm giác nóng, lạnh và xúc giác. Biến chứng thường gặp là thoát vị đĩa đệm gây tê chân.

Xem thêm: Dịch vụ trị liệu chăm sóc cổ vai gáy

2.3. Teo cơ

Khi thoát vị đĩa đệm tiến triển nặng, bệnh có thể gây ra các cơn đau dọc theo dây thần kinh và làm cho người bệnh khó khăn trong vận động. Theo thời gian các cơ này dần yếu đi, cấu trúc bớt độ săn chắc và teo lại.

Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm còn có thể chèn ép, không cho máu lưu thông đến các cơ, khiến cơ thiếu chất dinh dưỡng và teo dần.

2.4. Rối loạn vận động

Người bệnh có thể bị bại liệt ở 2 chân, mất khả năng đi lại do rễ thần kinh chi phối. Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của thoát vị đĩa đệm.

2.5. Rối loạn cơ thắt (rối loạn đại tiểu tiện)

Biểu hiện lúc đầu của biến chứng này là bí tiểu, sau đó tiểu không thể kiểm soát được, luôn có nước tiểu chảy rỉ ra do cơ thắt kiểu ngoại vi bị liệt không thể giữ nước tiểu.

2.6. Hội chứng đuôi ngựa theo các tầng thoát vị đĩa đệm

  • Hội chứng đuôi ngựa trên: do thoát vị đĩa đệm ở các đoạn cao (đốt sống lung L1 – L2 và L2 – L3) với biểu hiện liệt ngoại vi toàn bộ ở hai chân. Rối loạn cảm giác hai chân từ khu vực bẹn trở xuống, rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi.
  • Hội chứng đuôi ngựa dưới xuất phát do thoát vị đĩa đệm đoạn L5 – S1, với dấu hiệu rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi, rối loạn cảm giác vùng đáy chậu, gây hạn chế một số động tác ở chân.
  • Hội chứng đuôi ngựa giữa: là biến chứng thường gặp nhất do thoát vị đệm đoạn L3 – L4 và L4 – L5 với biểu hiện rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi, liệt gấp cẳng chân, liệt động tác bàn chân và ngón chân, mất cảm giác toàn bộ ngón chân, cẳng chân, bàn chân, mặt sau đùi, mông…

Do ai cũng có thể mắc bệnh thoát vị đĩa đệm nên mỗi người tuyệt đối không chủ quan. Hãy quan tâm đến sức khỏe cột sống bằng cách kiểm tra định kỳ nhằm tầm soát bệnh, phát hiện bệnh càng sớm, khả năng chữa càng cao và chi phí càng thấp.