Những người thường xuyên vận động với cường độ cao, mang vác vật nặng, lao động chân tay hoặc người cao tuổi thường hay gặp phải các bệnh lý liên quan đến cơ xương khớp. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc các bệnh về cơ xương khớp của những người làm việc văn phòng cũng rất cao. Vậy tại sao dân văn phòng chỉ thường xuyên ngồi một chỗ, không lao động chân tay nặng nhọc mà sức khỏe cơ xương khớp vẫn bị “đe dọa”?
Nguyên nhân gây ra những bệnh lý về cơ xương khớp ở dân văn phòng
Ngồi làm việc trong một tư thế quá lâu
Không chỉ khi vận động quá mức mới ảnh hưởng đến cơ xương khớp, mà khi ít vận động cũng có khả năng khiến khớp bị thoái hóa. Dân văn phòng thường ngồi làm việc cả ngày trên ghế dẫn đến một số bệnh lý thường gặp như đau vai gáy, thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, đau thắt lưng, hội chứng ống cổ tay,… Chiếc ghế làm việc không đúng quy cách cũng được coi là một “thủ phạm” khiến cho các bệnh lý về cơ xương khớp thường xuyên “ghé thăm” dân văn phòng. Thiết kế của chiếc ghế không phù hợp sẽ dẫn đến tư thế ngồi sai, làm tăng trọng lượng chịu đựng lên cột sống và cơ bắp. Về lâu dài sẽ dẫn đến trẹo khớp và chèn ép dây thần kinh cột sống.
Nếu ngồi lâu mà không đứng dậy đi lại, vận động có nguy cơ thoái hóa cột sống khi có tuổi. Việc ngồi nhiều, ít vận động cũng là nguyên nhân dẫn tới việc tăng cân, vô tình tạo ra áp lực lên xương khớp và làm gia tăng tỉ lệ mắc các bệnh về xương khớp.
Thường xuyên ngồi trong phòng điều hòa
Môi trường làm việc của dân văn phòng chủ yếu trong phòng điều hòa, ít khi ra ngoài trời nên không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, không hấp thu được vitamin D khiến cho xương khớp bị suy yếu. Lâu dần sẽ đẩy nhanh quá trình loãng xương kèm theo một số bệnh như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống và thoái hóa đốt sống cổ. Điều này nếu cộng thêm chế độ ăn uống không đầy đủ canxi thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quá trình hoạt động của cơ xương khớp. Bên cạnh đó, việc để nhiệt độ điều hoà qua thấp chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời kết hợp với việc ngồi làm việc ở một tư thế quá lâu cũng sẽ dẫn đến đau vai gáy, đau lưng.
Thường xuyên sử dụng máy tính, điện thoại
Việc sử dụng máy tính thường xuyên của dân văn phòng có liên quan mật thiết tới tình trạng đau cổ, vai, gáy và các bệnh lý về xương khớp như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, viêm quanh khớp vai… Thêm nữa, khi sử dụng chuột máy tính, cổ tay tì vào cạnh bàn, chèn ép các dây thần kinh ở cổ tay chính là nguy cơ gây ra hội chứng ống cổ tay.
Việc sử dụng điện thoại thông minh để đọc tin tức và làm việc đã trở thành thói quen của dân văn phòng. Tuy nhiên, màn hình điện thoại thông minh khá nhỏ sẽ khiến cho người sử dụng phải cúi người xuống để tập trung hơn. Và khi việc cúi đầu xuống thấp và lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, rất dễ gây ra thoát vị đĩa đệm ở cổ.
Lời khuyên nào dành cho dân văn phòng để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý về cơ xương khớp?
Ngồi làm việc đúng tư thế
Một tư thế ngồi làm việc chuẩn là ngồi thẳng lưng, bàn tay, cổ tay và cánh tay đặt thẳng hàng và song song với nền nhà. Màn hình máy tính nên để ngang tầm mắt, khoảng cách chừng 30cm. Khi sử dụng chuột máy tính không nên gập cổ tay và tỳ cổ tay quá mạnh vào cạnh bàn để tránh chèn ép lưu thông máu ở cổ, cánh tay.
Dành thời gian nghỉ ngơi giữa giờ làm việc để vận động, đi lại
Hãy sắp xếp công việc một cách khoa học để có thời gian nghỉ ngơi giữa giờ làm việc. Nên đứng lên vận động, đi lại sau khoảng 2 giờ làm việc, tránh việc ngồi lỳ một chỗ cả ngày.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Bổ sung thực phẩm giàu canxi và các loại rau, củ quả để cung cấp đủ các loại vitamin nhóm A,B,C, E, khoáng chất kali, magiê. Đây là những chất chống oxy hóa, giúp phòng ngừa các bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp.
Xem thêm: Dịch vụ trị liệu chuyên sâu cổ vai gáy
Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao
Luôn có ý thức luyện tập thể dục, thể thao để không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng, stress mà còn giúp cơ bắp và xương khớp khỏe mạnh hơn. Việc vận động thường xuyên sau mỗi ngày làm việc căng thẳng còn giúp khí huyết lưu thông, cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho sụn khớp. Thêm nữa, việc vận động còn làm chậm quá trình lão hóa của xương khớp. Nếu có thể, hãy tranh thủ thời gian những ngày nghỉ cuối tuần và dành ra 15 – 20 phút đi bộ buổi sáng từ 6-8h sáng mùa hè và 7-9h sáng mùa đông để hấp thu vitamin D tốt nhất cho cơ thể.
Khi có bất kỳ các dấu hiệu đau xương khớp nào như đau sau vai, tê liệt, chóng mặt, hoạt động cổ hạn chế, đau cổ và đau xương vai,… bạn nên tới cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, kiểm tra chính xác tình trạng bệnh và điều trị sớm nhất có thể, tránh để đau lâu ngày gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của cơ xương khớp.